Trang chủ

/

Bài báo

Tạp chí Y Dược học - Tập 13 (01)năm 2023

Đánh giá hiệu quả dự phòng tụt huyết áp của hai liều phenylephrin tiêm tĩnh mạch sau gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai

Lê Văn Tâm, Dương Thị Ngọc Anh, Trần Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Minh

2023 - Tập 13 (01), trang 14

10.34071/jmp.2023.1.2

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tụt huyết áp trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai là một trong những biến chứng rất thường gặp, có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc phòng ngừa và điều trị tụt huyết áp trong gây tê tủy sống rất quan trọng. Có nhiều phương pháp để dự phòng và điều trị tụt huyết áp sau gây tê tủy sống tuy nhiên dự phòng bằng thuốc vận mạch là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Phenylephrin được khuyến cáo như là thuốc chọn lựa đầu tay trong các loại thuốc vận mạch trong dự phòng tụt huyết áp. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả dự phòng tụt huyết áp và sự an toàn của phenylephrin với hai liều tiêm tĩnh mạch trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đối chứng. Với 150 sản phụ được gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai, các sản phụ được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm: Nhóm I: là nhóm đối chứng không dự phòng phenylephrin (n = 50). Nhóm II: Dự phòng bằng phenylephrin liều 50 µg tiêm tĩnh mạch (n = 50). Nhóm III: Dự phòng bằng phenylephrin liều 75 µg tiêm tĩnh mạch (n = 50) ngay sau khi gây tê tủy sống. Tụt huyết áp được định nghĩa giảm hơn 20% so với huyết áp nền. Cả ba nhóm đều được ghi nhận về tỷ lệ tụt huyết áp, mức độ tụt huyết áp, tỷ lệ tái tụt huyết áp, các tác dụng không mong muốn ở mẹ và chỉ số APGAR của trẻ sơ sinh ở thời điểm 1 phút và 5 phút.

Kết quả: Nhóm II: tỷ lệ tụt huyết là 44%, tỷ lệ tái tụt huyết áp là 16%. Nhóm III: tỷ lệ tụt huyết áp là 28%, tỷ lệ tái tụt huyết áp là 2%. Chỉ số APGAR của hai nhóm tại cả thời điểm 1 phút và 5 phút là như nhau (p > 0,05), tất cả các trường hợp đều có APGAR > 7.

Kết luận: Phenylephrin tiêm tĩnh mạch liều 50µg và 75µg đều có hiệu quả để dự phòng tụt huyết áp sau gây tê tủy sống để mổ lấy thai. Tuy nhiên, liều phenylephrin 75µg hiệu quả hơn so với liều 50µg vì tỷ lệ tụt huyết áp và tái tụt huyết áp thấp hơn (28% và 2% so với 44% và 16%, p < 0,05). Cả hai nhóm dự phòng phenylephrin ít gây tác dụng không mong muốn đáng kể đối với mẹ và con.

Trích dẫn bài báo

Lê Văn Tâm, Dương Thị Ngọc Anh, Trần Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Minh. (2023). Đánh giá hiệu quả dự phòng tụt huyết áp của hai liều phenylephrin tiêm tĩnh mạch sau gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai. Tạp chí Y Dược học, , 14. https://doi.org/10.34071/jmp.2023.1.2

Trong số này

Xuất bản trong năm

Indexing

Tạp chí Y Dược học thuộc Trường Đại học Y Dược- Đại học Huế được phép hoạt động báo chí theo giấy phép số 1720/GP-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2010 và được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp mã số ISSN 1859-3836 theo Quyết định số 009/TTKHCN-ISSN ngày 22 tháng 03 năm 2011

Toà soạn

Địa chỉ
Tầng 4, nhà A, Trường ĐH Y-Dược Huế
06 Ngô Quyền, TP Huế, Việt Nam

Email

tcydhue@huemed-univ.edu.vn

Phone

0234-3824663

© 2010-2023 Tạp chí Y Dược học . Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Y-Dược Huế
Giấy phép xuất bản bản in số 1720/GP-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông